Không ai nợ con bất cứ điều gì : Những bức thư cùng con trưởng thành / Hồ Chí Minh, Abraham Lincoln, Sun Yunsuan...; Thu Hương sưu tầm, biên soạn. - H. : Thông tin và Truyền thông, 2020. - 97tr.; 21cm

Thứ hai - 30/08/2021 00:29 1.329 0
Không ai nợ con bất cứ điều gì : Những bức thư cùng con trưởng thành / Hồ Chí Minh, Abraham Lincoln, Sun Yunsuan...; Thu Hương sưu tầm, biên soạn. - H. : Thông tin và Truyền thông, 2020. - 97tr.; 21cm
“Trong giáo dục, có lẽ có rất nhiều công việc cụ thể phải làm, có rất nhiều việc cụ thể để nắm bắt. Tuy nhiên bồi dưỡng học trò tốt nhất chính là bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, giá trị nhân văn; trong đó căn bản nhất, quan trong nhất chính là đánh thức lương tri biết trân quý sinh mệnh, đánh thức phần thiện học trò”.
(Những bức thư cùng con trưởng thành)

Thật vậy, dạy dỗ thế hệ trẻ biết kiểm soát và làm chủ cuộc sống là cả một nghệ thuật, cũng là cả một quá trình rèn luyện của cha mẹ, thầy cô: phải biết kiên nhẫn, phải biết bao dung, biết cứng, biết mềm… Hãy là một ông bố, bà mẹ, thầy cô thông minh và thấu hiểu. Đừng nghĩ cho học sinh nhiều điểm tốt là có một thế hệ tương lai tốt đẹp. Đừng nghĩ kiếm thật nhiều tiền là con bạn sẽ có một cuộc sống giàu sang, không lo lắng. Cùng đừng bao giờ nghĩ dạy con đơn giản chỉ là đưa chúng tới trường mỗi ngày và để lại một bản di chúc hậu hĩnh khi bạn nhắm mắt xuôi tay. Dạy con có tri thức, sống lương thiện, tự tin, chân thực, yêu lao động, thể thao là trao cho con cơ hội làm một người lương thiện và có ích cho xã hội.

Nằm trong tủ sách “Sống để yêu thương” do Nxb. Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2020, quyển sách “Không ai nợ con bất cứ điều gì (Những bức thư cùng con trưởng thành)” do tác giả Thu Hương sưu tầm, biên soạn sẽ góp phần giúp các phụ huynh, thầy cô giáo có thêm tài liệu hay để giáo dục con em.

Qua 97 trang, quyển sách gồm 14 bức thư của các vị lãnh tụ, chính khách, doanh nhân nổi tiếng gửi thầy giáo, học sinh, các con của mình để khuyên bảo, dạy dỗ, giáo dục, mong muốn thế hệ tương lai của đất nước hiểu được trách nhiệm, vai trò, vị trí của bản thân để nỗ lực rèn luyện, vươn lên làm chủ cuộc sống. Các bức thư được sắp xếp theo 3 chủ đề: Học tập, giáo dục; Dạy con; Tình yêu thương và niềm tin cuộc sống.

Ở chủ đề “Học tập, giáo dục”, bạn đọc sẽ đến với “Thư Bác Hồ gửi học sinh năm 1945” với những lời căn dặn thiết tha: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Hơn 70 trôi qua, những lời dặn ân tình trong bức thư của Bác Hồ vẫn như còn nồng ấm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, là sức mạnh lớn lao cổ vũ, khích lệ các thế hệ thầy cô giáo và học sinh Việt Nam quyết tâm vượt qua bao khó khăn để dạy tốt, học tốt.

Tiếp đến là “Thư của Tổng thống Lincoln gửi đến thầy hiệu trưởng của con trai” với những yêu cầu thiết thực, mong thầy giáo hãy dạy con mình lòng tự trọng, tự tin, trung thực, thói quen đọc sách,… Đó còn là bức thư của thầy hiệu trưởng ở Singapore gửi các phụ huynh khi sắp tới kỳ thi với lời nhắn gửi chân thành: “Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mấy đi sự tự tin và nhân phẩm của con. Hãy nói với con rằng, dù điểm số của con là bao nhiêu, cha mẹ vẫn yêu con và không hề phán xét. Một kỳ thi hay một điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ đi những ước mơ và tài năng bên trong của các con”.
Hay bức thư của thầy chủ nhiệm gửi một em học sinh đã trót vi phạm vì gian lận trong kỳ thi. Thầy không hề trách mắng, đổ lỗi mà động viên rằng: “Lỗi của em và thầy nhận lỗi về mình một nữa, thầy chưa dạy em được bản lĩnh… Em đã dám đối diện với sự thật nói cho thầy biết. Ai trong cuộc đời cũng sai, hay ít, lớn hay nhỏ mà thôi. Quan trọng là cách em đứng dậy và vượt qua nó. Hãy đứng dậy và vượt qua như một chiến binh!”.

Trong chủ đề “Dạy con” là các bức thư như: Thư gửi con trai của Tôn Vận Tuyền (cựu chính khách Đài Loan); Thư của nhà văn, doanh nhân Harry Browne (Mỹ) gửi con gái; Thư của nhà thơ Dư Quang Trung (Trung Quốc) dạy con gái. Tất cả đều thể hiện tình yêu thương vô điều kiện của các bậc cha mẹ với mong muốn con mình học được cách sống làm người tốt đẹp, sống hạnh phúc.

Chủ đề “Tình yêu thương và niềm tin cuộc sống” với các bức thư: Thư của nhà vật lý Einstein gửi con gái tiết lộ về thứ năng lượng mạnh mẽ, kỳ lạ nhất thế giới; Thư gửi con gái đầu lòng của chủ Facebook Mark Zuckerberg; Thư hóm hỉnh, tinh tế của một ông bố châu Á gửi cho con mình, mong con hãy vui vẻ đừng bao giờ sống cuộc đời thầm lặng; Thư của một người mẹ dạy con cách quản lý cảm xúc; Bức thư dễ thương của cô bé 8 tuổi gửi tạp chí The sun (Mỹ) để bày tỏ niềm tin về ông già Noel là có thật; Bức thư xúc động của một người bố khi vĩnh viễn mất đi đứa con thân yêu, trong đó lời nhắc nhở mọi người hãy luôn trân trọng từng khoảnh khắc được ở bên những người thân yêu đáng để chúng ta suy ngẫm.

Tất cả những bức tâm thư được tuyển chọn in trong quyển sách có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, giúp bạn đọc nhận ra: Dạy con trẻ bây giờ khó hơn ngày xưa rất nhiều. Không phải vì cha mẹ, thầy cô không đủ thời gian quan tâm đến con em, cũng không phải những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã lôi kéo con em lệch hướng. Vấn đề nằm ở chỗ người lớn đã thực sự lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng những đứa trẻ như thế nào để dạy, để truyển cảm hứng trưởng thành cho con em mình.
Hãy cùng con đọc những bức thư này để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, góp phần tạo nên quả ngọt trong sự nghiệp trồng người.

Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
- Môn loại: 808.86 / KH455A
- Phòng Mượn: MN 12156-12157

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây