Cha và con : Tình cha con của những người nổi tiếng / Anh Ngọc, Bảo Ninh, Bông Mai...; Lưu Khánh Thơ chủ biên. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2017. - 413tr. : Ảnh; 23cm

Thứ hai - 13/06/2022 23:12 2.122 0
Cha và con : Tình cha con của những người nổi tiếng / Anh Ngọc, Bảo Ninh, Bông Mai...; Lưu Khánh Thơ chủ biên. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2017. - 413tr. : Ảnh; 23cm
Với các bài viết thấm đẫm tư tưởng nhân văn và những bài học giáo dục sâu sắc, cách thể hiện chân thực, tự nhiên, tinh tế, giàu những chi tiết sinh động và đắt giá, tâm huyết nồng nàn đến từng câu chữ; quyển sách “Cha và con” do Lưu Khánh Thơ chủ biên giới thiệu đến độc giả những bài viết chân thực, xúc động và hết sức độc đáo về tình cảm, kỷ niệm giữa cha vào con của những người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội.

Qua 413 trang, sách thể hiện 43 mối quan hệ giữa những người cha, người con người nổi tiếng với những hồi ức kỷ niệm của mỗi người và những dấu tích của một thời.

Đó là những hồi ức như: Những lần trong đời dạo phố cùng cha” của nhà văn Bảo Ninh viết về cha mình là nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ; “Một ngày bằng mấy trăm năm, hỡi Người?” của ca sĩ Bông Mai viết về cha mình là nhạc sĩ An Thuyên; “Cha tôi Hữu Mai” của Bình Ca viết về tình cha co với nhà văn Hữu Mai; “Một con người trong một thế hệ đã đi qua” của nữ Giáo sư Đặng Thanh Lê viết về cha mình là Giáo sư Đặng Thai Mai; “Sức trẻ của một cây bút” của nhà văn Lê Minh viết về cha mình là nhà văn Nguyễn Công Hoan; “Cha tôi - những dấu ấn không thể phai mờ” của nhà nghiên cứu phê bình văn học Lưu Khánh Thơ viết về cha mình là Lưu Quang Thuận; “Thạch Lam, cha tôi trong trí tưởng” của nhà văn Nguyễn Tường Giang viết về người cha là nhà văn Thạch Lam”; “Người cũ, vườn xưa” của nhà văn Nguyệt Tú viết về cha mình là họa sĩ Nguyễn Phan Chánh; “Cha tôi” của nhà văn Phan Thị Vàng Anh viết về cha là nhà thơ Chế Lan Viên; “Mùi cha” của nhà văn Trần Chiến viết về cha mình là nhà sử học Trần Huy Liệu; “Thư gửi người đã khuất” của võ sư Trần Việt Trung viết về người cha là nhà ngoại giao Trần Tử Bình; “Mùa xuân đầu tiên” của họa sĩ Văn Thao viết về cha là nhạc sĩ Văn Cao; “Chuyện của bố” do nhà báo Lưu Minh Vũ viết về bố mình là nhà thơ Lưu Quang Vũ; “Còn cả một đời để làm người tử tế” do ca sĩ Hà Anh Tuấn viết về cha mình là doanh nhân Hà Tiến Cung;  “Thưa ba, con đi hát!” của nghệ sĩ Ưu tú Quế Trân viết về ba mình là nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tòng; …

Đọc quyển sách, chúng ta sẽ gặp vô vàn những cung bậc cảm xúc: tình cảm tri ân sâu nặng, nỗi ân hận muộn màng, niềm thương nhớ khôn nguôi, lòng tự hào không che giấu, sự kiêu hãnh thầm lặng, những niềm đâu không dứt và cả những điều bí mật tưởng sẽ “đào sâu chôn chặt”. Người cha không chỉ cho ta hình hài, thân xác mà còn là người thầy đầu tiên, tạo nên nhân cách, định hướng tương lai cho con mình.

Có những người cha chỉ là những con người có số phận bình dị, nhưng họ đã để lại những bài học sống sâu sắc và cảm xúc suốt đời cho những người con dấn thân vào cuộc sống sáng tạo. Có những cặp cha con nổi tiếng lẫy lừng, nhưng người con không tụng ca những thành tích, mà chọn cách kể về những ký ức mộc mạc, riêng tư. 

Có thể thấy, khi đọc về một người nổi tiếng hay thành đạt, người ta thường có mong muốn biết thêm những khía cạnh đời thường nhân bản của họ: gia đình, tình cảm riêng tư, những nguồn cảm hứng… Và quyển sách “Cha và con” chia sẻ đến độc giả một góc nhìn nhân bản về tâm hồn của những người nổi tiếng trong một số lĩnh vực, nhiều nhất là lĩnh vực văn hóa. Tình cha con của họ đã là nên diện mạo và danh phận của họ. Ở họ còn thấy những mối quan hệ khác, họ không chỉ là phụ - tử mà còn là thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp, hay là những người tri âm, tri kỷ. Thậm chí có khi quan hệ giữa hai cha con cùng làm văn hóa nghệ thuật lại khiến họ trở thành các phê bình gia khắc khe của nhau. Nhưng sau tất cả ánh hào quang của sự nổi tiếng, họ vẫn là những người cha, những người con luôn nỗ lực cùng nhau cống hiến tài năng cho đời và lưu giữ những ân tình ấm áp, đong đầy kỷ niệm tình cha con như bao người. Sách do Nxb. Trẻ xuất bản năm 2017. 

Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP Cần Thơ với mã số:  
▪ Ký hiệu phân loại: 306.874 / CH100V
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.016583
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.018726; MA.018727

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây