Văn hoá dân gian biển đảo vùng Nam Bộ : Sách chuyên khảo / Phạm Lan Oanh chủ biên, Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân,.... - H. : Quân đội nhân dân, 2021. - 402tr.; 21cm

Thứ năm - 14/04/2022 23:54 1.863 0
Văn hoá dân gian biển đảo vùng Nam Bộ : Sách chuyên khảo / Phạm Lan Oanh chủ biên, Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân,.... - H. : Quân đội nhân dân, 2021. - 402tr.; 21cm
Trong không gian văn hóa biển đảo Việt Nam, văn hóa dân gian biển đảo vùng Nam Bộ được xác định vừa là động lực tinh thần, vừa là nguồn lực để phát triển kinh tế của vùng Nam Bộ và cả nước. Đặc biệt, góp phần đắc lực bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa biển đảo phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia hiện nay.

Nằm trong bộ sách “Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam” của nhà xuất bản Quân đội nhân dân do GS.TS. Nguyễn Chí Bền tổng chủ biên, quyển sách “Văn hoá dân gian biển đảo vùng Nam Bộ” với 402 trang giới thiệu đến bạn đọc 3 nội dung gồm:

Chương 1 “Không gian văn hóa Nam Bộ và văn hóa dân gian biển đảo Nam Bộ” đề cập tới địa lý hành chính của các tỉnh thuộc Nam Bộ, đồng thời giới thiệu sơ lược về đặc điểm lịch sử vùng Nam Bộ với những sự kiện chính. Chủ thể và khách thể văn hóa dân gian biển đảo Nam Bộ là cư dân người Việt, Hoa, Chăm và Khmer đã sinh sống lâu đời ở vùng đất Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Chương 2 trình bày các thành tố của văn hóa dân gian biển đảo Nam Bộ như:
Thành tố nghệ thuật ngữ văn dân gian bao gồm những lời ca dao, điệu hò trên sông nước, các bài vè, câu lý, một số truyền thuyết, tục ngữ, phương ngôn và câu đố thể hiện yếu tố văn hóa biển đảo.

Thành tố tín ngưỡng và lễ hội phản ánh rất rõ nét yếu tố biển đảo của cư dân Nam Bộ như: Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông/cá voi; Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương; Thiên Hậu Thánh Mẫu; Quán Âm Nam Hải; Dinh Cô; Bà Phi Yến; Thần Rái Cá biển;...

Thành tố tri thức dân gian thể hiện những hiểu biết về thiên nhiên thời tiết, về lịch trình lên xuống của con nước; tri thức về ngư cụ và kỹ thuật khai thác; tri thức dân gian về một số nghề (đóng ghe thuyền, làm muối...); tri thức nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; tri thức về ẩm thực gắn với các món đặc sản; khai thác mặt biển làm đường vận chuyển hàng hóa, quân sự.

Thành tố nghệ thuật kiến trúc và tạo hình dân gian liên quan tới đình, lăng, miếu, chùa được khởi dựng trong khu vực cư dân và ngư dân sinh sống, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân và và thành tố nghệ thuật trình diễn dân gian gắn với các di tích tâm linh phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân vùng biển đảo.

Chương 3 đề cập đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian biển đảo Nam Bộ. Đó là giá trị lịch sử, giá trị phản ánh con người vùng biển đảo Nam Bộ hơn 300 năm qua. Cư dân người Việt, Hoa, Chăm, Khmer ở Nam Bộ trong quá trình mưu sinh đã cộng tác cùng nhau phát triển, cùng thể hiện chủ quyền quốc gia trên biển, cũng như thể hiện giá trị đạo đức thẩm mỹ như là vẻ đẹp của sự ứng xử hài hòa, coi trọng phát triển lâu dài bền vững qua các thực hành văn hóa dân gian.

Sách cũng phân tích những tác động đến văn hóa dân gian biển đảo Nam Bộ như: Tác động từ môi trường sinh thái tới cuộc sống của người dân; tác động từ truyền thông đên sinh kế của ngư dân; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với văn hóa biển đảo nói chung, văn hóa dân gian biển đảo Nam Bộ nói riêng; an ninh trên biển; văn hóa tâm linh cho người đi biển... Từ đó nêu một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của văn hoá dân gian biển đảo Nam Bộ.

Để tìm hiểu rõ hơn các nội dung trên, quý vị và các bạn hãy tìm đọc trọn quyển sách “Văn hoá dân gian biển đảo vùng Nam Bộ” được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 390.095977 / V115H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.060789; 
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.025550; MA.025551

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây