Miền tây lạ lắm à nghen / Trương Chí Hùng. - H. : Kim Đồng, 2020. - 100tr.; 20cm

Thứ tư - 19/01/2022 03:22 867 0
Miền tây lạ lắm à nghen / Trương Chí Hùng. - H. : Kim Đồng, 2020. - 100tr.; 20cm
“Miền Tây Nam Bộ là vùng đất đặc biệt của đất nước chúng ta. Dù sinh ra ngay tại nơi đây hay lần đầu mới tới, thì cảm giác thân thương luôn là dấu ấn đầu tiên khi nhắc đến từ “miền Tây”. Chính vì thân thương, nên ta mau chóng muốn hiểu rõ lời ăn tiếng nói, nắm bắt ý nghĩa, sắc thái biểu đạt trong ngôn ngữ của người dân nơi này.” 

 Đó là những bày tỏ chân thành tác giả Trương Chí Hùng trong quyển “Miền Tây lạ lắm à nghen”. Sách do Nikru, Triều Huy và Cù Quyên minh họa, được Nxb. Kim Đồng ấn hành năm 2020.

Lật giở 100 trang sách in màu có nhiều hình vẽ minh họa sống động, bạn đọc sẽ bắt gặp được những từ ngữ rất “lạ” mà chỉ riêng vùng sông nước miền Tây Nam Bộ mới có như: cà ràng, hạ bạc, xấu banh nhà lồng chợ, xả láng, mút chỉ cà tha, mình ên, Hóc bà tó, Xà Tón, Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng,… đính kèm theo là một bài viết ngắn dưới dạng tản văn để chỉ ra ngữ cảnh của từ vừa được giải thích. Đó không chỉ là ngữ cảnh xuất hiện của từ hay là không gian sống của từ mà đó còn là những kỷ niệm đáng nhớ của tác giả, là một trong những nhân tố góp phần làm nên cái chất “lạ” của người dân miền Tây.

Qua bài viết “Hành trình xa thẳm”, tác giả giả thích cụm từ “mút chỉ cà tha” rằng:  “cà tha” là cách đọc trại từ “katha”, là loại bùa kết từ những sợi chỉ ngũ sắc rất dài của người Khmer. Về ngữ cảnh để xuất hiện cụm từ này cũng gắn với câu chuyện thật của chính tác giả một lần bị lạc đường trong rừng U Minh Hạ. Người dân địa phương đã giúp đỡ với lời nói mộc mạc, gần gũi đậm chất miền Tây: “Mèn ơi, tội nghiệp dữ hông, đi chi mà mút chỉ cà tha vậy, thôi cưng dựng xe ở đó đi, rồi lên nhà rửa mặt, chị nấu cơm cho ăn rồi hẵng đi, chớ kiểu này lỡ lạc nữa thì đói chết”.

Khi giải thích “đìa” là chỗ trũng ở ngoài đồng có bờ cao để trữ nước, nuôi cá, tác giả đã kể lại quá trình đi tát đìa, “bắt hôi” của người dân miền Tây qua bài viết “Niềm vui tát đìa”

Khi tìm hiểu về “cà ràng” là cái lò đất của người miền Tây, qua bài viết “Bếp lửa hồng của má” tác giả chợt nhớ tới người má đã mất cũng thích nấu ăn với loại bếp đất nung này, tác giả đã cảm nhận được sự ấm áp từ bếp lửa đỏ bập bùng và những kỷ niệm thân thương chợt hiện về. 

Hoặc khi giải thích về từ “miệt” là chỉ nơi hẻo lánh, xa xôi gắn liền với vùng Miệt Thứ ở Kiên Giang. Tác giả đã miêu tả: “Miệt Thứ buồn như cái buồn của cô gái lấy chồng xa, cái buồn của anh nông dân nghèo chứng kiến người mình yêu bị đem gả bán. Bởi thế mới có câu ca nghe mà buồn não ruột: 
Đêm đêm ra đứng hàng ba
Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.
Sương khuya ướt đẫm giàn bầu, 
Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?”.


Qua những bài viết của tác giả, ẩm thực đặc sản miền Tây Nam Bộ như: mắm, ba khía, bông điên điển, trái bần, thốt nốt, cà na,… cũng như là nếp sinh hoạt miền quê: cách phân biệt nước rong, nước kém khác với nước lớn nước ròng thế nào; ghe, xuồng, tắc ráng, đò dọc, đò ngang khác nhau ra sao; tát đìa, giăng lưới cắm câu, lượm trứng vịt đẻ rớt trên đồng,… bằng những từ ngữ quen thuộc gợi cảm giác hoài niệm về những điều đã qua, đã nhẹ nhàng đi vào lòng bạn đọc, hiện ra một miền Tây đẹp bình dị với nhiều điều thú vị luôn vương vấn và lôi cuốn bạn đọc khám phá.

Bằng những câu chuyện rất thật, quyển sách “Miền Tây lạ lắm à nghen” không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về ngữ nghĩa của những từ đậm chất miền Tây mà còn giúp bạn đọc khám phá về những nét đẹp văn hóa, tính cách của con người miền Tây sông nước.

Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
Ký hiệu phân loại: 306.095978 / M305T
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.058790
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.023310; MA.023311

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây