Là quyển ký sự của nhiều tác giả đã đi thực tế dọc biên giới Tây Nam của Tổ quốc, “Ký sự biên giới Tây Nam 40 năm qua” viết về cuộc sống nơi vùng sâu gian khó, gợi nhớ và tri ân những cán bộ, chiến sĩ, đồng nào đã anh dũng chiến đấu bảo vệ biên cương, làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng dưới thời Pol Pot. Sách do Nxb. Thanh niên xuất bản năm 2020.
Qua 287 trang sách gửi đến độc giả những bút ký, bài thơ, nhạc… của nhiều tác giả như: Bùi Kim Anh, Trúc Linh Lan, Võ Thị Kim Liên, Lê Thanh My, Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai, Trương Tuyết Mai, Nguyễn Hữu Nhân, Thanh Yến, Trúc Ly, Trương Thị Thanh Hiền, Phạm Khiêm, Phạm Thị Toán,…
Đến với dãi dất biên cương, các tác giả chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ, nhìn thấy những chứng tích, nghe những câu chuyện thật là bộ đội, người dân kể lại, gợi về một thời khốc liệt và oanh liệt mà đồng bào, chiến sĩ chống lại sự tàn bạo của kẻ thù.
Những cảm nhận cũ mới đan xen trong bối cảnh của hôm nay có sức lay động lớn, tạo cảm xúc cho những bài thơ, những trang văn ùa ra từ đời sống thực và gợi mở nhiều suy tưởng về nguyên do nảy sinh cái ác, bên cạnh tính nhân văn, lòng khoan dung và tình yêu Tổ quốc.
Tác giả Trúc Linh Lan đã viết:
“Tôi ngồi đây/ Ngẫm nghĩ nụ cười/ Thương Tổ quốc bao lần gian khó/ Thương đất mẹ bao lần lệ nhỏ/ Để có buổi trưa này tôi dựa vào cột mốc/ Bình yên” (Cột mốc 275).
Hay tác giả Thanh Yến với những dòng thơ đầy xúc cảm:
“Ngày con cất tiếng chào đời/ Cha ngoài biên giới canh trời quê hương / An Giang máu lụt ngả đường / Giặc tràn gieo rắc đau thương xóm làng/ Những cột mốc sống biên cương/ Ngàn xưa còn mãi như gương. Sáng ngời! (Những cột mốc sống).
Mỗi tác giả với vốn sống, hướng cảm nhận, sự từng trải tuy có khác nhau, nhưng nét chung nổi bật đó là cách nhìn tinh tế và sáng suốt trước đạn bom, chiến tranh, thù hận, cũng là cách nhìn hướng tới tình người, thấm đẫm nhân văn, nhất là tấm lòng của bao la người mẹ, người vợ, người chị, người em thông qua những trang viết:
Có cuộc chiến nào/ không máu lửa và hoa/ cầm một đóa/ dâng lên người nằm xuống/ mẹ ít khi nói về điều phiền muộn/ sao dư âm đọng lại ở hiên chiều!
Mẹ có khóc đâu/ nước mắt cứ khô dần/ vì nghĩa cử phải đâu là vô ích/ biên giới/ những đường ranh xa mịt/ bao năm phân định nước - non - nhà. (Ngày đi - Lê Thanh My)
Trong những trang viết của các tác giả Đậu Thanh Sơn, Nguyễn Quốc Trung, Trần Thị Thắng, Nguyễn Hữu Nhân, Lê Minh Hoan, Trương Thị Tuyết Mai… những người từng trải qua chiến tranh là những cảm nhận thấm thía về công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng cuộc sống mới ở vùng biên hôm nay.
Quý bạn đọc có thể tìm đọc quyển “Ký sự biên giới Tây Nam 40 năm qua” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 895.9228408 / K600S
▪ PHÒNG MƯỢN: MV.022636