Xếp bút nghiên lên đàng / Huỳnh Văn Tiểng. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2002. - 205tr.; 20cm

Thứ năm - 06/01/2022 04:55 1.169 0
Xếp bút nghiên lên đàng / Huỳnh Văn Tiểng. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2002. - 205tr.; 20cm
“Nào anh em ta cùng nhau xông pha, lên đàng”…
(Lên đàng)
“Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, xếp bút nghiên coi thường công danh”...
(Xếp bút nghiên)
“Ɲàу anh em ơi tiến lên đến ngàу giải phóng”…
(Tiếng gọi thanh niên)
Đó là những bài hát nổi tiếng của nhóm Hoàng Mai Lưu hay còn gọi là nhóm “Hoa Mai Vàng” với các tên tuổi Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước. Những bài hát với giai điệu hùng hồn tươi sáng, tiết tấu giục giã, lời ca đầy khí tiết yêu nước, là lời hiệu triệu cách mạng đã đi vào lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của học sinh, sinh viên nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung trong những năm 1940.

Là một người đã tích cực tham gia trong phong trào yêu nước từ rất sớm khi mới 16 tuổi, Huỳnh Văn Tiểng (1920- 2009) một nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà báo có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Ông là nhân chứng lịch sử không chỉ tham gia vào phong trào cách mạng của học sinh, sinh viên lúc bấy giờ, mà còn tái hiện lịch sử qua những tác phẩm của mình để các thế hệ mai sau hiểu biết về những trang sử hào hùng của dân tộc. Trong đó, hồi ký “Xếp bút nghiên lên đàng” của Huỳnh Văn Tiểng là những trang viết phản ảnh sống động khí thế sục sôi của lớp lớp thanh niên yêu nước, trong cơn bão táp cách mạng phá tan xiềng xích của thực dân. Quyển hồi ký do Nxb. Trẻ xuất bản năm 2002 với 205 trang, gồm 6 phần:

Phần 1 và phần 2 kể về ấn tượng lúc tuổi thơ của tác giả học tiểu học ở thị trấn Hóc Môn,  chứng kiến cảnh thực dân Pháp tàn ác xả súng vào những người dân biểu tình tay không, trong đó có nhiều phụ nữ, người già. Cảnh giặc tàn sát đồng bào cứ mãi ám ảnh cậu học trò nhỏ. Sau này lớn lên, tác giả đã tìm gặp các tri kỷ đồng tình, đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và hăng hái tham gia phong trào học sinh Sài Gòn (1936 - 1940) với nhiều hoạt động sôi nổi. Những bài thơ, ca khúc kêu gọi cứu nước được tác giả và nhóm bạn sáng tác nhanh chóng lan tỏa rộng rãi, kịp thời được thanh niên cả nước hưởng ứng mạnh mẽ.  

Phần 3 và phần 4 ghi lại khoảng thời gian từ năm 1941 đến 1945, thời kỳ được tác giả ví như cá gặp nước với phong trào sinh viên yêu nước chuyển hướng mạnh mẽ. Thời kỳ Huỳnh Văn Tiểng cùng Lưu Hữu Phước hoạt động cách mạng công khai, bị bắt giam 6 tháng trong Khám lớn Sài Gòn. Trong tù, hai đồng chí lại cùng nhau sáng tác bài hát Xin gửi lời nguyền Khúc khải hoàn. Ra tù, tác giả cùng các đồng chí lập tức tham gia tích cực các hoạt động chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, bằng viết báo, ca hát, diễn kịch, lập hội truyền bá quốc ngữ, tổ chức thanh niên tiền phong rồi làm nòng cốt trong cuộc nổi dậy cùng nhân dân Sài Gòn cướp chính quyền ngày 25/8/1945. Sau ngày 2/9/1945, tuy mới 25 tuổi nhưng Huỳnh Văn Tiểng là một trong 5 thành viên của Ủy ban kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. 

Phần 5 kể về thời kỳ “Lao vào lửa đạn, kháng chiến cứu nước (từ 23/9/1945)", tác giả tiếp tục bước vào trận địa đấu tranh văn hóa, chính trị, với vũ khí phát thanh - truyền hình. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6/1/1946), Huỳnh Văn Tiểng là một trong 5 đại biểu của Khu Sài Gòn - Chợ Lớn (cùng với các đại biểu Tôn Đức Thắng, Hoàng Đôn Văn, Nguyễn Thị Lựu, Ngô Tấn Nhơn). Từ đó trở về sau, tác giả giữ nhiều trọng trách trong hoạt động báo chí cách mạng, là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát thanh - truyền hình của cả nước.

Hồi ký “Xếp bút nghiên lên đàng” của Huỳnh Văn Tiểng với lời kể in đậm dấu ấn xúc cảm trào dâng của một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết yêu quê hương đất nước, được hòa mình vào dòng thác cách mạng lúc bấy giờ của dân tộc. Tác phẩm là tư liệu chân thực giúp độc giả hiểu hơn về tinh thần quật khởi chống ngoại xâm của nhân dân ta, đặc biệt là truyền thống yêu nước của học sinh, sinh viên Việt Nam.

Quý bạn đọc có thể tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 895.922803 / X257B
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.020433;
▪ PHÒNG MƯỢN: MV.000225

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây