“Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi, xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà”. (Câu đối)
Đối với mọi người Việt Nam, Tết âm lịch mang nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiêng liêng. Đã là người Việt ở trong nước hay ngoài nước đều có sự bâng khuâng thổn thức và xao xuyến chuẩn bị đón Tết cổ truyền với niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn trong năm mới. Tết Việt Nam là phong tục tập quán gắn liền với tâm hồn Việt qua những nghi thức truyền thống và sinh hoạt văn hóa đặc trưng.
Quyển sách “Phong vị xuân xưa" được Nguyễn Văn Học, Lê Thái Dũng, Nguyễn Thị Thuý Hà sưu tầm và tuyển chọn, sẽ giới thiệu đến độc giả trên 40 bài viết chủ đề phong tục tết và đón xuân có giá trị của nhiều tác giả, được trích từ một số báo, tạp chí cũ thuộc những năm 20 - 40 của thế kỷ trước.
Sách do Nxb. Hội Nhà văn xuất bản năm 2021, gồm 187 trang với các bài viết được sắp xếp 3 phần:
Phần 1 “Lai rai chén rượu ngày xuân” là các bài viết: Nguyên nhân Tết Nguyên Đán (Nguyễn Huân); Câu chuyện ăn Tết (Ái Nhơn); Tết dán câu đối (Lê Tràng Kiều); Câu đối (Hoàng Quảng Đức, Nguyễn Văn Tiên); Chữ Xuân trong văn cổ (Nguyễn Văn Tố);…
Phần 2 “Cảm tết” với các bài viết: Tờ trình của các Táo quân tại Hội đồng Thượng đế (Lã Xuân Chát); Đi làm xa nhớ nhà (Vọng Sơn); Đầu năm khai bút (Tương Phố); Giao thừa (Hoài Thanh và Lưu trọng Lư); Cảm Tết (Lưu Trọng Lư); Bảo tồn lễ tết (T.M); Tết (Tản Đà); Xuân (Á Nam Trần Tuấn Khải); Văn xuân (Đoàn Khuê);…
Phần 3 “Mùa xuân văn hóa và lịch sử” gồm các bài viết: Tết của sử ký nước Việt Nam: Mồng Năm - Ngày vẻ vang (Hoàng Thúc Trâm); Phong dao và lịch sử (Nguyễn Hữu Tiến); Cách thức tế Nam Giao; Đại cương về mỹ thuật nước nhà trong hai thời kỳ chịu ảnh hưởng mỹ thuật Trung Hoa và Âu Tây (Nguyễn Xuân Nghị); Di tích văn hóa người Chiêm Thành (Trần Văn Giáp); Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại (Tô Ngọc Vân).
Sách còn in phần phụ lục Một số bài văn khấn dịp Tết như: Văn khấn Tết ông Táo; Văn khấn lễ Nguyên Đán (Mồng một Tết); Văn khấn lễ mông 4 tiễn ông vải.
Cuối cùng là lời bạt “Tuổi trẻ và mùa xuân cuộc đời” của Lã Xuân Choát.
“Phong vị xuân xưa” không chỉ cung cấp các tài liệu giúp tìm hiểu sâu hơn về phong tục tết truyền thống của dân tộc, mà còn cho độc giả biết được nét sinh hoạt của những nhóm người có máu văn chương, văn nghệ một thời. Đặc biệt là sự xuất hiện của báo xuân và những tập sách không định kỳ dành phục vụ riêng cho ngày tết. Tuy chưa thể sưu tập được đầy đủ, nhưng đây cũng là một cuốn sách sưu tầm độc đáo hiếm có, mang lại niềm vui thanh nhã cho bạn đọc trong cũng như sau những ngày vui Tết.
Các bạn hãy tìm đọc sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 394.269597 / PH431V
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019849
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.024985; MA.024986