Cọp là con vật có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa phương Đông với những biểu hiện đa dạng trong tín ngưỡng, tập tục, mỹ thuật, văn học dân gian… Đây là con vật đáng sợ với sức mạnh vô song, nhưng cũng là con vật có đức tính nhân nghĩa theo quan niệm dân gian. “Cọp trong văn hoá dân gian” là cuốn sách của tác giả Nguyễn Thanh Lợi, Nxb. Văn hoá - Thông tin ấn hành năm 2014, một trong những xuất bản phẩm nằm trong dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” đã được phê duyệt.
Dưới góc nhìn dân gian, tác giả viết về cọp, một con vật hết sức đặc biệt trong mối quan hệ giữa người và vật. Sách dày 651 trang, bố cục gồm 3 phần chính:
Phần 1 giới thiệu về cọp trong thiên nhiên với những thông tin về đời sống sinh học, tập tính loài vật và nguồn gốc, phân bố, cũng như công tác bảo tồn loài động vật này.
Phần 2 đề cập đến sự hiện diện của cọp trong các sự kiện của lịch sử thế giới và Việt Nam. Phần nhiều ghi chép về những cuộc săn bắn và mở đất của các thế lực trong xã hội phong kiến phương Đông.
Phần 3 trình bày những nghiên cứu về cọp trong văn hóa dân gian trên thế giới và riêng ở Việt Nam như: cọp trong ngôn ngữ, trong văn học dân gian, trong tín ngưỡng dân gian, trong di tích, trong lễ hội, trò diễn, trong địa danh, trong mỹ thuật và trong đời sống hiện đại.
Cho thấy, cơ sở hình thành ký ức về cọp ở nước ta gắn liền với tiến trình mở đất về phương Nam. Con người với đà ngày càng sinh sôi phát triển, đã đẩy lùi giang sơn của cọp đến tận những vùng hẻo lánh. Tuy vậy cho đến nay cọp vẫn còn bảo lưu trong ký ức của nhân dân địa phương, qua những câu chuyện kể, chuyện cổ tích, chuyện cười, ngụ ngôn, trong tín ngưỡng dân gian… bắt nguồn từ hiện thực mà con người đã chứng kiến, đối mặt.
Thái độ của con người đối với cọp chuyển biến từ sợ hãi, đến chiến đấu thắng cọp, rồi thuần dưỡng, rồi tôn thờ cọp v.v… biểu hiện trạng thái tâm lý thích nghi của lưu dân với môi trường, với thiên nhiên suốt một thời gian dài. Cách ứng xử của lưu dân đối với loài cọp đã phản ánh sinh động diễn trình lịch sử đấu tranh và khai hoang những vùng đất mới phương Nam. Và không chỉ có mặt trong văn hóa truyền thống mà hình ảnh con cọp đã đi hẳn vào cuộc sống hiện đại của chúng ta ngày nay.
Phần phụ lục của sách với hơn 80 truyện kể dân gian về chúa tể sơn lâm như: Ông bà cọp, Cọp có nghĩa, Cọp Ninh Hòa bắt người, Đỡ đẻ cho cọp, Sự tích con hổ, Người đi cày và con cọp, Sự tích thác Trị An, Sự tích địa danh Mỏ Cày, Sự tích cù lao Ông Hổ, Vì sao gọi giồng Trâu Treo, Ông Tăng Chủ trị cọp, Chuyện bà mẹ ở Thủ Thiêm, Sự tích miếu thờ thần hổ, Chuyện đánh cọp ngày nay…
Cuối sách là phụ lục các bức tranh dân gian vẽ về hổ trên bùa chú, trong nghệ thuật trang trí, ảnh thờ, đồ thờ, ở chùa, đình, miếu, trên đồ chơi trẻ em…
Với rất nhiều ảnh tư liệu từ nghiên cứu điền dã và lượng thông tin phong phú, cuốn sách “Cọp trong văn hoá dân gian” đem đến cho bạn đọc những kiến thức thú vị về cọp, một loài vật hiện diện rõ nét và có sự ảnh hưởng nhất định đến đời sống con người, nhất là trong đời sống của ông cha ta thuở xưa. Qua đó giúp các bạn bổ sung những tri thức văn hóa dân gian cần thiết, nâng cao ý thức góp phần xây dựng nền “văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 398.09597 / C434TR
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.047933