Bạo lực gia đình là một trong những vấn đề không chỉ riêng ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào mà còn là vấn đề mang tính toàn cầu, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng về cơ hội phát triển cho phụ nữ. Bạo lực gia đình không chỉ là nguyên nhân gây ra những tổn thất về mặt thể chất, tinh thần đối với nạn nhân mà còn trở thành rào cản đối với cơ hội phát triển của nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc những tài liệu tham khảo hữu ích về bạo lực gia đình, Thư viện TP. Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu quyển sách “Bạo lực gia đình ở Việt Nam - Thực trạng và các yếu tố tác động” do Nxb. Khoa học xã hội ấn hành năm 2020. Sách do PGS. TS. Đặng Thị Hoa chủ biên với độ dày 474 trang, gồm 3 chương trình bày các vấn đề bao gồm:
Chương 1 “Một số vấn đề lý luận trong nghiên cứu bạo lực gia đình” trình bày các kiến thức liên quan đến bạo lực gia đình như: Cách tiếp cận, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu bạo lực gia đình; Kinh nghiệm một số quốc gia về chính sách phòng, chống bạo lực gia đình;… Ở Việt Nam, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã được xây dựng và triển khai hoạt động ở nhiều địa phương, tuy nhiên việc áp dụng các mô hình của các quốc gia phát triển vẫn còn nhiều khoảng cách.
Chương 2 “Thực trạng bạo lực gia đình” cung cấp các thông tin liên quan đến thực trạng bạo lực gia đình như: bạo lực giữa vợ và chồng, bạo lực giữa cha mẹ với trẻ em và bạo lực với người cao tuổi.
Chương 3 “Các yếu tố văn hóa, xã hội và kinh tế tác động tới bạo lực gia đình” trình bày các yếu tố tác động chi phối khá mạnh đến bạo lực gia đình, đó là: văn hóa, xã hội và kinh tế.
Chương 4 “Tác động của chính sách trong phòng, chống bạo lực gia đình” cung cấp các thông tin liên quan đến chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; Hiệu quả của chính sách phòng, chống bạo lực gia đình; Sự hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Chương 5 “Định hướng chính sách và giải pháp phòng, chống, bạo lực gia đình” trình bày các quan điểm, những hạn chế, những khoảng trống trong chính sách và một số khuyến nghị, giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình.
Cuối quyển sách là phần Kết luận, danh mục các tài liệu tham khảo và phần Phụ lục khảo sát về tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam.
“Bạo lực gia đình ở Việt Nam - Thực trạng và các yếu tố tác động” là tài liệu cần thiết cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các cán bộ công tác lĩnh vực văn hóa gia đình, cũng như góp phần nâng cao nhận thức người dân để xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình.
Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 362.8209597 / B108L
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.058042
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.022460; MA.022461