bài giới thiệu sách tháng 7 tuần 2

Chủ nhật - 16/07/2023 23:27 344 0
Chiến tranh đã đi qua và chúng ta đang chung tay, góp sức xây dựng lại đất nước, non sông. Nhớ về bè bạn, đồng chí, đồng đội mình, năm 2004 nhà báo Trần Thế Tuyển gởi đến chúng ta tập bút ký “Quê hương và đồng đội” với những khắc khoải, suy tư của một người vốn mang nặng nợ cuộc đời.
hình bìa sách tháng 7
hình bìa sách tháng 7
          Chiến tranh đã đi qua và chúng ta đang chung tay, góp sức xây dựng lại đất nước, non sông. Nhớ về bè bạn, đồng chí, đồng đội mình, năm 2004 nhà báo Trần Thế Tuyển gởi đến chúng ta tập bút ký “Quê hương và đồng đội” với những khắc khoải, suy tư của một người vốn mang nặng nợ cuộc đời.
          Là người lính đã từng có mặt qua mấy cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, nên ký ức về một thời chiến tranh khốc liệt vẫn còn âm ỉ trong anh. Chúng ta sẽ gặp ở đây những con người hết sức bình dị, nhưng cũng rất đỗi phi thường. Họ đã có mặt trên những vùng đất đầy bom cày, đạn xới, giữa lúc sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc. Những đồng đội của anh mới hôm nào còn là chàng thư sinh ăn chưa no, lo chưa tới, vậy mà, bỗng chốc trở thành  những người lính hiêng ngang cầm súng chống quân thù. Trong đội ngũ điệp trùng của đoàn quân ra trận ngày ấy, có người đã vĩnh viễn nằm nơi núi thẩm, rừng sâu; có người gửi lại một phần thân thể vào lòng đất Mẹ. Họ, những chàng trai trẻ có khi chưa một lần biết đến nụ hôn đầu đời và khi “ngã vào lòng đất vẫn con trai”! Chúng ta cũng gặp ở đây những má Tư, má Bảy hay chị Sáu, chị Ba… những phụ nữ kiên cường bất khuất, đã chôn chặt vào lòng nỗi đau mất chồng, mất con, dâng hiến cả tuổi xuân cho cách mạng, để làm nên những huyền thoại thần kỳ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
          Tập bút ký “Quê hương và đồng đội”  gồm hai phần với 443 trang, tác giả viết về đồng đội của ông và những vùng đất anh hùng với những địa danh gắn bó với từng bước thăng trầm của đất nước.
          Phần I: Chân dung đồng đội, Trần Thế Tuyển dành nhiều tình cảm nhất cho những người mẹ và các liệt sĩ. Viết về Mẹ và các đồng đội đã hy sinh, Trần Thế Tuyển như người mộng du. Anh đắm chìm trong kỷ niệm, trong suy tưởng; ngòi bút miên man không dứt theo dòng tình cảm cứ dạt dào tuôn. Từ những người mẹ có tên, có tuổi, có địa chỉ rõ ràng đến cô gái dẫn đường cho Trung đoàn Triệu Hải, cô gái chung tình với anh chiến sĩ giải phóng ở Long An v.v.., xuyên suốt gần 150 trang, dưới ngòi bút của Trần Thế Tuyển đều đẹp, vĩ đại và bình dị. Và khi nói về đồng đội ngã xuống trong cuộc chiến tranh, tác giả hết sức thành kính, hết sức nâng niu, tưởng như trong khói lửa mịt mù, anh đang ôm họ vào lòng, nước mắt chứa chan, đau đớn sờ vào vết thương của họ và khẽ khàng vuốt mắt để đồng đội về nơi vĩnh hằng. Hơn thế nữa, với những liệt sĩ ngã xuống rồi còn bị bom cày, đạn xới đến không còn thi thể thì có thể nói ngòi bút nhân hậu của chiến sĩ – nhà báo Trần Thế Tuyển thật chí nghĩa, chí tình. Đọc “Quê hương và đồng đội” nhiều lần ta gặp những anh hùng – liệt sĩ như vậy, khi thì “thân thể các anh biến vào đất đai của Tổ quốc”, lúc thì “họ ngã xuống máu xương tan vào lòng đất”…. Nỗi đau này là nỗi đau chung của chúng ta nhưng trên hết và trước hết là nỗi đau của mẹ. “Con về còn em con đâu?” – Câu hỏi của người mẹ già có mái tóc bạc phơ nơi miền biển Hải Hậu (Nam Định) của tác giả cũng là câu hỏi chung cho những người mẹ đã dâng hiến những đứa con thân yêu của mình vì độc lập tự do của đất nước. Các mẹ không giữ lại gì ngoài linh hồn siêu thoát đang phiêu linh cùng mây ngàn gió nội hoặc “kết vào màu hoa trắng ngà”….của các liệt sĩ.
          Phần II: Những vùng đất quê tôi, khi đọc phần này ta cũng gặp lại những đồng đội của anh ở phần trước nhưng không phải đặc tả mà hài hòa trong toàn cảnh.
          Thưa quý vị! Cái quý nhất của tập bút ký “Quê hương và đồng đội” là cái tình, tình với non sông đất nước và với con người. Tác giả đã chắt chiu, gìn giữ những kỉ niệm hơn 5 năm tham gia cuộc chiến và coi đó là quãng thời gian quý nhất, đẹp nhất của cuộc đời anh. Để rồi như con tằm nhả tơ, mỗi lúc cầm bút anh lại rút ra từ những vốn chiến tranh một cách tiết kiệm, đưa vào tác phẩm và nó trở thành linh hồn của toàn bài tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ cho người đọc.
          Sách hiện có tại phòng mượn Thư viện của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh quận Ninh Kiều, số 12 Phan Văn Trị phường An Phú quận Ninh Kiều TP. Cần Thơ. Xin hân hạnh giới thiệu và phục vụ quý độc giả.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây