Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
Hơn 75 năm, chiến tranh đã đi qua, những thương binh, bệnh binh trở về cuộc sống đời thường với cơ thể không còn lành lặn và không ít gia đình kinh tế còn khó khăn. Vì vậy, họ làm cách nào để vừa tạo công ăn việc làm cho bản thân, đồng đội và con cháu luôn là câu hỏi thường trực trong đầu của những con người này. Để hiểu rõ hơn bằng cách nào những người thương binh, bệnh binh này làm được, hôm nay Tổ Thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận Ninh Kiều trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách “Điển hình của thương - bệnh binh làm giàu theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do Nhà xuất bản Lao động - Xã hội phát hành năm 2014.
Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, với bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” không cam chịu đói nghèo, họ đã làm nên những kỳ tích phi thường, vươn lên trở thành ông chủ, giám đốc công ty… Điển hình như ông Hoàng Văn Chiến ở Lương Sơn - Hòa Bình, là thương binh hạng 2/4 với “Nghị lực vượt khó phi thường”, sau khi xuất ngũ trở về, cuộc sống gia đình khó khăn, những vết thương chiến tranh vẫn không ngừng hành hạ ông, những mảnh đạn trong cơ thể thường tái phát như muốn đánh rụt ông. Nhưng với quyết tâm và tinh thần của người lính cụ hộ, ông đã chiến thắng với mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi. Còn ông Hoàng Trọng Cường - Người thương binh“dám nghĩ dám làm”, khi chiến tranh kết thúc ông trở về với chiếc nạng thay chân nhưng nghị lực vượt khó đã giúp người thương binh vượt qua mọi khó khăn, lập mô hình trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc. Việc làm này không chỉ giải quyết khó khăn về kinh tế cho gia đình mà còn giúp đỡ các anh em thương binh trên địa bàn huyện Lộc Hà hoặc ông Võ Minh Chiến ở Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu, trở về với cuộc sống đời thường từ chiến trường miền Đông Nam Bộ, mất 81% sức khoẻ. Với bản chất kiên trì của người lính, từ hai bàn tay trắng ông đã trở thành ông chủ với mô hình kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng); Thương binh Lê Nhựt Thâu (Bến Tre) vượt qua thương tật, vươn lên làm giàu từ nghề làm kềm cắt móng…. Họ là những thương - bệnh binh tích cực làm giàu theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và truyền cho nhau những kinh nghiệm đáng quý trong sản xuất để cùng phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống và góp phần xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng nông thôn mới.
Với hơn 60 tấm gương thương binh, bệnh binh tiêu biểu cùng những phương thức sản xuất kinh doanh của họ, là những tấm gương đã đóng góp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của cả nước, giúp bạn đọc tích luỹ thêm những kinh nghiệm quý báu để làm giàu cho chính bản thân, gia đình và quê hương đất nước.
Quyển sách như là một lời tri ân đến những người đã hy sinh máu xương cho độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc hôm nay và là động lực thúc đẩy các thế hệ hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, noi gương cha anh đóng góp công sức, trí tuệ dựng xây đất nước.
Bạn đọc có thể tìm quyển sách “Điển hình của thương - bệnh binh làm giàu theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” , tại Tổ Thư viện - Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh quận Ninh Kiều, số 12 đường Phan Văn Trị, phường An Phú, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.